Sử dụng băng dán thể thao là biện pháp giảm đau, giảm sưng, cải thiện hiệu suất tiện lợi, nhanh chóng khi gặp tình trạng đau cơ, chấn thương.
Băng dán cơ, hay còn gọi băng dán thể thao, băng dán vận động học, được phát triển từ cuối những năm 1970. Ông muốn tạo ra một loại băng hỗ trợ mà không hạn chế chuyển động như các phương pháp nẹp, quấn truyền thống.
Băng dán có khả năng co giãn rất cao do được tạo ra từ bông và nylon. Nó được thiết kế để bắt chước độ đàn hồi của da, do đó người dùng hoàn toàn thoải mái chuyển động. Chất kết dính của băng cũng có khả năng chống thấm nước và đủ bền trong 3-5 ngày, ngay cả khi người dùng tập thể dục hoặc đi tắm.
Ngày nay, loại băng dán hỗ trợ này thường xuyên xuất hiện trong các trận bóng chuyền, marathon hay đua xe đạp. Chúng là những dải băng nhiều màu sắc, có thể có hoa văn, được dán dài trên vai, đầu gối, lưng và cơ bụng của các vận động viên. Dưới đây là những lợi ích của băng dán vận động học.
Giảm sưng, viêm
Sưng, viêm là phản ứng của cơ thể khi xảy ra chấn thương. Thay vì dùng thuốc giảm đau, chống viêm, việc dùng băng dán là giải pháp nhẹ nhàng, không gây ra tác dụng phụ.
Khi băng được dán vào cơ thể, nhờ độ đàn hồi, nó sẽ nhẹ nhàng kéo nâng da của bạn lên, tạo ra một không gian siêu nhỏ giữa da và các mô, nâng da ra khỏi mô bị sưng bên dưới. Áp lực từ băng dán làm tăng cường lưu thông dịch bạch huyết ( dịch trong suốt bao bọc các mô của cơ thể) giúp giảm sưng, viêm. Hệ thống bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch, có chức năng cân bằng lượng dịch trong cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh.
Một số nhà trị liệu vật lý cho hay, băng dán vận động học thay đổi thông tin mà hệ thống thần kinh cảm giác đang truyền đi về cơn đau trong cơ thể.
Tiến sĩ Megann Schooley, chuyên gia vật lý trị liệu thể thao tại Florida, Mỹ, giải thích: “Tất cả các mô của bạn: da, mô liên kết, gân, cơ, đều chứa các thụ thể cảm giác giúp cảm nhận cơn đau, nhiệt độ và xúc giác. Băng dán tạo ra một lực nâng để giải phóng các mô bên dưới, từ đó thay đổi các tín hiệu đi đến não. Khi não nhận được một tín hiệu khác, nó sẽ phản ứng khác”.
Giảm cọ xát trong khớp
Một nghiên cứu nhỏ với 32 người tham gia đã chỉ ra rằng khi dán băng thể thao lên đầu gối, nó sẽ làm tăng khoảng trống trong khớp gối. Một nghiên cứu tương tự cho thấy băng dán này cũng làm tăng khoảng trống trong khớp vai. Dù sự gia tăng không gian nhỏ, nó vẫn giúp ngăn xương cọ xát với nhau, giảm nguy cơ kích ứng khớp.
Giảm bầm tím, chuột rút
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng băng dán thể thao có thể cải thiện lưu lượng máu trên da và tăng lưu thông chất lỏng bạch huyết. Dịch bạch huyết chủ yếu là nước, nhưng nó cũng chứa protein, vi khuẩn và các hóa chất khác.
Tăng cường tuần hoàn máu và dịch bạch huyết là cách ngăn ngừa và giảm co thắt cơ, chuột rút khi chơi thể thao. Máu lưu thông sẽ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các cơ bắp phải vận động quá mức hoặc bị mệt mỏi.
Vết bầm tím hình thành khi các tĩnh mạch và mao mạch nhỏ dưới da bị vỡ dưới da, gây chảy máu trong. Dù hầu hết không nghiêm trọng, vết bầm có thể khá đau đớn. Băng dán thể thao khi dán lên vết bầm tím cũng giúp làm tan máu tụ và khuyến khích máu tươi di chuyển đến khu vực bị ảnh hưởng.
Cải thiện cơ bắp
Vận động quá sức khiến cơ bắp mệt mỏi. Băng dán thể thao có thể tăng tốc độ phục hồi cơ bằng cách kích thích loại bỏ axit lactic. Axit lactic là sản phẩm của oxy hóa, nguyên nhân tạo ra cảm giác mỏi cơ bắp.
Công cụ này cũng có khả năng đào tạo lại các cơ đã mất chức năng hoặc đã quen với tần suất hoạt động quá cao. Ví dụ, nó có thể được sử dụng để điều chỉnh tư thế ở đầu và cổ của bạn. Một nghiên cứu năm 2017 ủng hộ sử dụng băng dán thể thao để giúp bệnh nhân đột quỵ cải thiện đi lại.
âng cao hiệu suất
Một số vận động viên sử dụng băng dán vận động học để giúp họ đạt được thành tích cao và bảo vệ khỏi chấn thương khi thi đấu trong các giải đặc biệt. Băng dán làm tăng tương tác giữa da và các cấu trúc bên dưới, tạo ra sự cân bằng trong mạch thần kinh ở cơ, da và khớp, giúp người chơi thể thao nâng cao hiệu suất.
“Rất nhiều vận động viên sử dụng băng dán này mỗi khi chạy marathon. “Đôi khi chúng tôi đặt băng dọc theo cơ mông như một cách để ‘đánh thức’ cơ bắp và nhắc nhở nó tiếp tục hoạt động”, Tiến sĩ Schooley cho hay.
Giảm nguy cơ chấn thương
Băng dán thể thao cũng được dùng để hỗ trợ các chi yếu hơn, do đó làm giảm nguy cơ chấn thương. Một nghiên cứu về việc áp dụng băng vận động học ở các vũ công chuyên nghiệp cho thấy nó có thể giúp ngăn ngừa các chấn thương sơ cấp và thứ cấp phát sinh trong khi khiêu vũ. Phân tích cho thấy rằng băng dán này có thể làm giảm co thắt cơ và tái tạo sức mạnh cơ một cách hiệu quả vì nó có thể cải thiện chuyển động của khớp và điều chỉnh trương lực cơ.
Dù có nhiều lợi ích, không nên sử dụng băng dán lên vết thương hở vì có thể gây nhiễm trùng. Những người bị dị ứng, có làn da mỏng và nhạy cảm cũng nên tránh dùng băng dán vì có thể gây tổn thương da hoặc dị ứng chất kết dính.
Người bị bệnh tiểu đường nếu bị giảm cảm giác ở một số khu vực trên cơ thể có thể không nhận thấy phản ứng với băng dán. Bệnh nhân ung thư không nên dùng băng dán thể thao vì dễ làm tăng cung cấp máu cho sự phát triển khối u.